098.981.0197

CHÈ NÀY LẠI NHỚ CHÈ XƯA

CHÈ NÀY LẠI NHỚ CHÈ XƯA

Như thường lệ, nhóm bạn già sáng nay lại tụ dưới gốc lộc vừng nhà tôi. Hoa lộc vừng mỏng tựa tia nắng, đung đưa rồi buông mình đỏ ửng khoảnh sân, phủ lên bàn và mấy chiếc ghế đá “các cụ” ngồi thưởng trà.

Con trai tôi nhẹ tay phủi đám hoa rụng. Nó bảo, hoa rụng mà không tàn, rụng lại mang vẻ đẹp riêng, ít loài hoa nào như thế. Tôi phì cười mắng thằng bé hôm nay triết lý như cánh già chúng tôi. Nó đặt lọ chè tôm nõn, phích nước mới đun sôi “sùng sục” ngay ngắn bên bộ ấm chén đánh rửa trắng tinh, mủm mỉm bảo: “Hình như con nhiễm các cụ cái tính ngẫm ngợi rồi, hôm nào rỗi rãi con xin được hầu trà các cụ”. “Con người chỉ hơn các loài ở chỗ biết ngẫm ngợi, hà cớ gì lại bỏ thứ thiêng liêng tạo hóa ban cho” – tôi đáp. Nó định nói gì song hình như nhìn thấy khách của bố đã đến nên chào các cụ rồi lên xe đi làm.

Ngồi xuống ghế, thầy giáo Tùng nhặt từng bông lộc vừng tươi đỏ đặt vào lòng tay ngắm nghía, bâng khuâng nhìn khoảng trời cao vút nhẹ giọng:

– Chả mấy mà hết năm các ông nhỉ? Cứ vào tiết đầu đông thế này tôi lại có tâm trạng bâng khuâng. Những thứ xa xưa dội về. Như đêm qua tôi chả ngủ được, nhớ ông bạn cùng cơ quan. Thương lắm các ông ạ.

– Chuyện gì ông chia sẻ với chúng tôi cho nhẹ lòng nào – tôi trao ông Tùng chén trà mới rót – động viên ông nói ra tâm sự.

– Cũng gần 40 năm rồi đấy. Thời ấy đến ăn còn không đủ nói gì được nhấm nháp trà ngon ngắm hoa đẹp thế này. Bạn tôi làm sếp cơ quan nên trăn trở lắm. Tháng 10 âm lịch năm ấy, sếp tôi về quê thấy người làng đốn chè khắp nơi. Chắc các ông còn nhớ, dạo ấy dân mình trồng chè hạt, lá chè dày, xanh sẫm, nhiều chất lắm. Người ta dùng dao sắc, có mỏ (dao quắm) phất vát ngược ngọn chè – gọi là “đốn chè”. Mùa xuân năm sau, từ những vết “đốn” nảy ra búp. Chè xuân này ngon và bán được giá hơn. Quay lại chuyện bạn tôi, thấy chỗ chè bị đốn lá tốt tươi thế mà để thối mục đi thì phí quá, bèn đề nghị mua lại. Được bà con đồng ý, ông kêu gọi anh em cơ quan đến bốc về, phơi khô, đem bán, được lãi ít tiền chia nhau tiêu Tết. Mọi người hỉ hả lắm vì có thêm mấy đồng mua bánh cho con, nhưng bạn tôi bị quy phạm tội buôn bán trái phép và bị đi tù mấy năm. Giờ mà còn sống ông ấy cũng ngoài 80 tuổi rồi. Năm nào vào cữ này tôi cũng nhớ ông ấy đến se sắt “các cụ” ạ.

che

Tôi tiếp thêm nước vào chén trà đã nguội của ông Tùng, đợi ông bớt xúc động, nhẹ nhàng lái câu chuyện đi hướng khác:

– Tết này lại nhớ Tết xưa các cụ nhỉ. Hồi ấy trong túi quà phân phối cho dân ăn tem phiếu bao giờ cũng có gói chè.

Như chạm vào nút “hồi ức”, ông Nguyên, ông Hưng, ông Quế lên tiếng tức thì:

– Ngày trước cái gì chả phân phối. Mọi thứ đều hiếm hoi, như nhà tôi với các ông đây hàng ngày chỉ uống nước vối, nước chè tươi chứ lấy đâu ra chè búp.

– Tôi nhớ trong túi hàng phân phối ở mậu dịch mỗi dịp Tết, bao giờ cũng có gói chè khoảng 1 lạng, gói trong giấy màu hồng, giá 3 hào thì phải.

– À mà người ta gọi đó là chè “tắm ngựa” vì nó đỏ quạch, mùi ngai ngái, cánh chè nát vụn không rõ hình hài. Khi rót trà ra chén, lũ cặn chè lợn cợn cũng theo ra, uống phải mím môi chặt để bã chè không lọt vào họng.

–  Nhưng mà những gói chè này đến tay người dùng như thế nào các ông nhỉ?

– Thì hợp tác xã thu mua, công ty chè chế biến, qua ty thương nghiệp phân phối.

Ông Bùi tỏ ra bí mật:

– Đố các ông biết trên gói chè ngày xưa người ta vẽ gì?

Không đợi mọi người trả lời, ông rút mảnh giấy và cái bút cài túi áo, vừa vẽ vừa tả vanh vách: Trên tờ giấy khoảng 30 phân vuông nền màu da cam có vẽ các hình hoa văn dân tộc, ở ô giữa là hình đồi chè, mấy người đội nón hái chè. Các “đầu gấp” của gói chè có in chữ “chè hương, 50 gam”. Bao bì này in 4 màu trên máy ti-pô (máy in dập trên bản khắc gỗ hoặc bản chì) tại xí nghiệp in Bắc Thái.

– Sao ông nhớ tường tận thế? – Mọi người ngạc nhiên.

– Các ông quên tôi làm nghề khắc gỗ bản in à? Trước khi khắc là phải vẽ (thiết kế) được duyệt rồi mới in. Tôi không nhớ mỗi năm phải vẽ và khắc bao nhiêu bản gỗ để in nhãn hộp chè bởi khối lượng in rất lớn.

– Chậc, đúng là “của không ngon nhà đông con cũng hết”, hình thức lem nhem, chất lượng “tắm ngựa” thế mà vẫn quý như vàng, các cụ nhỉ, chả bù cho bây giờ…

– Chuyện vài chục năm trước mà như cổ tích. Giờ biếu nhau túi chè bọc trong giấy bạc hút chân không căng đét…vẫn là xoàng. Ngay như cái tên cũng phải mĩ miều, cầu kỳ: Nhụy Hương, Tuyết Bảo, Đinh Hương, Thiết Quan Âm…. Cái đựng thì biến hóa vuông, tròn, lục lăng. Chất liệu thì hộp gỗ, sắt, giấy, mạ bạc mạ vàng, nhìn đã thấy mê rồi. Nhiều khi mua chè vì mê cái hộp để trên bàn bày nhìn sang các ông ạ.

– Nào mời các cụ thưởng tuần trà thứ hai để thấy con cháu mình bây giờ sướng hơn mình bội phần rồi. Vài chục năm nữa, chắt mình lại thấy cái anh chè “hảo hạng” của chúng ta hôm nay thật là quá xoàng các cụ nhỉ?

Chúng tôi cùng cất tiếng cười vui. Cây lộc vừng giật mình buông xuống ngàn cánh hoa đỏ tươi, như góp lời tán thưởng với những người hay ôn chuyện ngày xưa.

Nguồn: TV

Xem thêm: trà tân cương thái nguyên

Xem thêm: trà xanh tân cương thái nguyên 200g giá

Xem thêm: giá trà xanh tân cương thái nguyên 500g

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *