098.981.0197

Câu chuyện buổi sáng: ĐẠO TRÀ

Lâu nay, sáng nào trước khi đi làm tôi cũng được mẹ già chuẩn bị cho một bình nước chè tươi dúi vào tay bảo mang đến cơ quan mà uống. Bình nước chè không chỉ chứa đựng tình yêu thương vô bờ của mẹ, mà chứa cả hồn quê nơi ngoại tôi và bao người nông dân đã thả mồ hôi công sức, dốc hết tâm can để làm nên thương hiệu trà Thái Nguyên không đâu sánh bằng. Bình nước cho tôi cảm giác được bao bọc bởi tình mẫu tử bao nhiêu thì thấu hiểu bài học “nước mắt chảy xuôi” bấy nhiêu.

Tôi thích cách nói của nhà báo Phạm Ngọc Chuẩn, các sản phẩm Trà là một thứ “lộc đời”, sản phẩm kết tinh của trí tuệ và sức lao động của người Thái Nguyên hàng trăm năm qua. Để rồi, được hưởng “lộc đời” mỗi ngày, được mang lại cho người thưởng trà khắp nơi thú ẩm thực thanh tịnh, tao nhã là niềm tự hào của những người nông dân vốn khiêm tốn quê tôi. Có thể họ chưa hiểu về Trà đạo, nhưng người làm trà Thái Nguyên luôn thấu hiểu “Đạo trà”, nói nôm na đó là cái tâm, cái đạo đức của người làm trà, cái để giữ cho thương hiệu Trà Thái luôn bền vững cùng với tấm giấy thông hành đi khắp các châu lục mà người làm trà Thái Nguyên cùng với chính quyền đã nỗ lực đạt được trong suốt những năm qua.

Mang theo suy tư về “Đạo trà”, chọn một buổi chiều sau ngày bận rộn, tôi rủ một người bạn đi cùng vào Tân Cương ngắm cảnh, tìm chút thư thái. Phải nói là núi đồi Tân Cương lô nhô yên bình và thoáng đãng dễ chịu, nhưng tìm cho ra một vườn chè đẹp mắt, được kiến tạo mang tính chuyên nghiệp, vừa phục vụ sản xuất, vừa để trình diễn cho khách tham quan thì chưa có nhiều. Chúng tôi tạt vào một khu vườn khá đẹp ven đường, có ghế đá, vườn chè, hoa và trụ sở khang trang sạch đẹp.

Bà chủ mồ hôi rịn đầy gương mặt rất nông dân mà phúc hậu niềm nở đón chúng tôi. Biết mục đích của chúng tôi chỉ là tham quan và muốn hưởng thụ không khí nơi đây, chị pha trà mời chúng tôi uống và say sưa nói về vùng chè Tân Cương nơi chôn nhau cắt rốn của chị, về công việc sản xuất trà của Hợp tác xã mà chị đang là người “cầm lái”. Tôi biết được chị chính là một “Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2017”; được tuyên dương “Điển hình tiên tiến qua các thời kỳ” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tháng 6/2018 vừa qua… tên chị là Đào Thanh Hảo.

Trong câu chuyện, chị không đề cập đến những sản phẩm trà phong phú của HTX mà chỉ nói về những suy nghĩ, cảm nhận của người nông dân một đời gắn bó với cây chè, mong muốn làm ra sản phẩm tốt, tạo được cảnh quan phục vụ người thưởng trà, du lịch, mong muốn người dân có thu nhập xứng đáng từ cây chè, đồng thời gìn giữ được “Đạo trà” của người Thái Nguyên. Cảm nhận sự chân thành và tình cảm máu thịt của chị dành cho cây trà Tân Cương chúng tôi cuốn theo câu chuyện của chị, đồng cảm với những mong muốn rất thực tế và nhân văn của người đàn bà ngoài 50 đầy nhiệt huyết ấy. Tuần trà đầu là trà búp Tân Cương nõn. Uống vào hương thơm và vị ngọt vấn vít khó tả. Chị kể, chị và người dân Tân Cương rất tự hào với lễ hội trà của xã được tổ chức hàng năm. Bà con chỉ mong sao lễ hội thể hiện đúng những gì mà Tân Cương có chứ không mang tính trình diễn một năm chỉ có một lần. Những gì có ở lễ hội, chính là những thứ có trong sản xuất, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân nơi đây. Muốn vậy thì cần cùng nhau làm nên những vườn chè đẹp, những mô hình sản xuất tốt, an toàn, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng trong các khâu chế biến, và hiện bà con đang ý thức tự giác thực hiện. Chị nói, về sản xuất của người dân trồng chè, cần được tuyên truyền đúng, đủ, không nên nói quá, vì bà con rất chất phác, không muốn nói quá về mình, cũng không được nói sai ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và thương hiệu của một nhãn hiệu được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý.

Rồi chị mời chúng tôi thưởng trà sen. Anh chị đã đi tận Hồ Tây mua sen về ướp trà. Quả đúng là hương sen Hồ Tây khác hẳn sen nơi khác, nhưng phải ướp với trà ngon Tân Cương thì chén trà sen mới thật quyến rũ. Nâng chén trà trên tay, mùi sen ngây ngất, phải ngửi cho thật đã mới nhấm nháp vị trà. Có uống rồi mới biết các cụ nhà mình thật tinh tế và trí tuệ. Hương sen và vị trà kết hợp với nhau tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ. Mà ngẫm, muôn đời nay, con người sở dĩ thanh tao hơn, có đẳng cấp hơn cũng thể hiện qua cái sự cảm nhận tinh tế về hương vị của cuộc sống. Nhắc lại, tôi bỗng thấy thèm thuồng quá, chén trà sen ấy…

vung-che

Rồi chị khoe một thứ trà mộc, cánh trà nhỏ tí teo, đều đặn. Chị bảo em cứ ngửi đi… trà đinh mộc chưa lấy hương đấy. Tôi úp mặt vào túi trà. Ôi chao, cái mùi vị quê hương tôi là đây, chính là ở thứ này. Nhắm mắt, mùi hương đưa tôi về với vườn chè tuổi thơ, với những bông hoa chè thơm ngát và những quả chè non chưa thành hạt mà bọn trẻ chúng tôi thường hái để cắn và mút, cái vị ngòn ngọt thanh thanh của quả chè non chắc chắn không có trà sữa với thạch dừa nào bây giờ sánh bằng, mùi nước chè xanh của tuổi thơ và của mẹ già mỗi sáng đi làm, nôn nao…  Niềm hạnh phúc ấy chỉ những đứa con vùng chè mới có… Bỗng chị hạ giọng, trà ngon nhất của chị đấy, có lấy hương rồi cũng bán chưa đến 3 triệu/kg đâu. Bọn chị chưa biết làm gì thêm để trà ngon nhất có thể có giá chục triệu, đó là mơ ước của những người làm chè mộc ở đây em ạ…

Ngất ngây trong hương trà, vị trà, chúng tôi nói chuyện về những vườn chè, những giống chè cũ mới, chuyện bà con trồng chè đều tự giác ý thức và  tuân thủ theo quy trình VietGAP, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch để có sản phẩm chất lượng cao. Song điều chị đau đáu là dù trà Thái Nguyên đã đến được với thị trường lớn Âu, Mỹ, nhưng làm sao các hộ dân trồng chè nhỏ lẻ ở Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung có thu nhập ổn định, xứng đáng vẫn là điều cần quan tâm trước nhất, cùng với việc gìn giữ cho được chất lượng, không làm ảnh hưởng đến thương hiệu trà Thái Nguyên. Làm sao để tất cả sản phẩm trà Thái đều được sản xuất theo tiêu chuẩn chè sạch 100%, chè tự nhiên 100% và các tiêu chuẩn khác như tiêu chuẩn ISO 3720 do FAO và IGG quy định, yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp theo chuẩn của Codex, rồi cơ cấu quy hoạch vùng chè thế nào đáp ứng các tiêu chuẩn về bền vững, trách nhiệm xã hội như FRA, UTZ, Fair Trade… để tìm đến, mở ra những cơ hội lớn hơn cho các sản phẩm trà Thái Nguyên.

Tôi đã từng gặp nhiều người sản xuất và kinh doanh trà Thái Nguyên, những người thành công trong ngành này đều để lại trong tôi ấn tượng về tình cảm mà họ dành cho cây chè, sự chân chất mộc mạc mà cũng tinh tế khó bì trong mỗi người. Đó là người đàn bà mộc mạc Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty chè Hà Thái người đem về giải Bạc, giải thưởng đầu tiên của Việt Nam trong Cuộc thi chè Quốc tế Bắc Mỹ được tổ chức tại Toronto –  Canada tháng 9 năm 2016. Tôi chưa thấy chị nói nhiều về bất cứ điều gì, bản thân, công ty hay sản phẩm từ công ty của chị, cứ lặng lẽ làm và lặng lẽ đạt thành tựu. Đó là “Bông hồng vàng trên đất Thái” Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình, đơn vị vinh dự mang về giải Đặc biệt Cuộc thi chè Quốc tế Bắc Mỹ, do Hiệp hội Chè Mỹ và Canada tổ chức tháng 8/2017 tại bang Arizona (Hoa Kỳ). Chị cho người tiếp xúc cảm nhận về sự tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc đối với các sản phẩm trà, sự gắn bó máu thịt của chị với cây chè quê hương. Đó là một người đàn bà tên Dung,và nhãn hiệu trà Tùng Dung, chỉ ai uống trà của chị thì mới biết, vì chị kinh doanh nhỏ, nhưng đã gắn bó vài chục năm với sản phẩm trà búp Thái Nguyên. Chị tác động mạnh đến tôi bởi những tâm sự: Chị đi buôn thôi, nhưng mua hàng của người thật tâm, làm hàng thật tâm, bán hàng thật tâm, không bao giờ gian lận để kiếm lời, chính cái đó cho chị sự khẳng định và tồn tại bền vững trên thương trường. Đó là một cậu nông dân mộc mạc đi xe hơi vù vù, cậu cùng với người cha quá cố của mình xây dựng nên thương hiệu trà Tiến Yên với những nguyên tắc sản xuất kinh doanh xuất phát từ tâm đức đối với cây chè, với các sản phẩm Trà và với đối tác kinh doanh. Phải chăng chính vì gìn giữ được “Đạo trà” mà “Lộc trà” luôn còn và ngày càng phát triển với người làm chè Thái Nguyên.

vung-che-2

Tôi nhớ có lần ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND  tỉnh nói chuyện, đại ý: Mỗi khách sạn, nhà hàng, mỗi quán ăn, quán nước dù to, dù nhỏ, mỗi cơ quan, đơn vị… trên địa bàn đều có thể quảng bá trà Thái Nguyên. Khi khách đến, thay vì quấy quá pha loại trà chất lượng thấp, hãy pha mời khách những ấm trà ngon, xem như khách đến nhà chúng ta mời nhau chén trà ngon vậy. Thực ra làm được điều đó không khó, không phải là tốn kém nhiều, nhưng giá trị của trà Thái, giá trị văn hoá trà, của văn hóa Thái Nguyên sẽ được lan tỏa, được nâng lên một tầm mới. Tôi rất lấy làm tâm đắc điều này.

Chúng ta chắc ai cũng biết người dân Thái Nguyên đã háo hức tự hào với những lần Festival Trà được tổ chức thế nào. Để thấy, nâng cánh cho thương hiệu trà Thái được bay xa là khát khao của cả một vùng đất. Ai cũng mong muốn cây chè và các sản phẩm trà Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ. Người dân vùng chè, từ xưa đến nay đều luôn trân quý, giữ gìn “Đạo trà” với mục đích, ý thức gìn giữ truyền thống, đạo lý chính là để phát triển. Làm thế nào để ngành chè Thái nguyên phát triển hơn thì cần những “Kiến trúc sư” tiếp tục kiến tạo ngành chè, kết nối thành công việc chung sức giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, các doanh nhân và người nông dân ở những vùng chè trong tỉnh, tạo nên sức bật mới, những thành công tiếp theo của thương hiệu trà Thái Nguyên. Ai cũng tha thiết mong điều đó.

Dù sao, thưởng thức một chén trà ngon, tận hưởng những phút giây thư thái cùng với người làm trà giữa trập trùng núi đồi và cảm nhận về “Đạo trà”, về vùng đất và con người xứ Trà như chúng tôi kể cũng là một sự thú vị, một điều đáng làm lắm chứ, nếu quý độc giả có nhu cầu, biết thưởng trà và yêu trà Thái.

Hãy thử đi, sẽ an nhiên lắm đấy!

Nguồn: TV

> Xem thêm: vùng trà tân cương
> Xem thêm: trà đặc sản tân cương thái nguyên
> Xem thêm: trà tân cương thái nguyên giá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *